Đâu phải giành được danh hiệu thủ khoa cho mọi người thương hại!Cập nhật lúc 10h26, ngày 19/08/2008
Các thủ khoa luôn là hình ảnh lý tưởng cho lớp sau học tập.
Hanoinet - Tất cả những tình tiết riêng tư cuộc sống, chuyện gia đình cơm không lành canh không ngọt của Hân đều được đưa lên mặt báo để tạo cho em một ánh hào quang... thương tâm, khiến những người xung quanh dành cho một cậu thủ khoa vượt khó những cảm xúc yêu thương vô bờ bến.
7 năm trước, Hân đạt danh hiệu thủ khoa Học viện Bưu chính Viễn thông. Có một tờ báo gọi em là “thủ khoa chăn bò” và những tình tiết của tờ báo ấy làm em còn “lạnh người” đến tận bây giờ.
Tất cả những tình tiết riêng tư cuộc sống, chuyện gia đình cơm không lành canh không ngọt của Hân đều được đưa lên mặt báo để tạo cho em một ánh hào quang... thương tâm, khiến những người xung quanh dành cho một cậu thủ khoa vượt khó những cảm xúc yêu thương vô bờ bến.
Khi ấy, chàng trai 17 tuổi đã khóc nhiều đêm trong ký túc xá. Dù sao, em cũng chỉ là một đứa trẻ mới lớn và cảm thấy bị tổn thương vô cùng khi phải chường mặt ra trước dư luận để nhận lại sự ái ngại, thương cảm. Nghĩ lại chuyện đã qua, cậu tâm sự: “Em học để thi và thi bằng tất cả sự cố gắng của mình, đâu phải cố giành được danh hiệu thủ khoa cho mọi người thương hại. Mà thủ khoa cũng có phải là cái gì cao siêu đâu. Em cũng có đâu đến nỗi đáng thương như thế!”
Không bức xúc như Hân nhưng mới đây, một thủ khoa đã phải buồn rầu phàn nàn: “Em có đi chân đất bao giờ đâu mà họ cứ gọi em là thủ khoa chân đất! Giờ lại là mục tiêu cho lũ bạn trêu chọc. Em xấu hổ lắm”.
Không lâm vào tình cảnh khóc dở mếu dở như vậy nhưng Nguyễn Bá Học, thủ khoa của Học viện Tài chính năm 2007 cũng đã có tâm sự rằng, ánh sáng rực rỡ của những đêm trao học bổng, những cuộc phỏng vấn với toàn những mỹ từ và những số tiền tài trợ mà một cậu học trò nông thôn như em chưa bao giờ dám nghĩ tới đã khiến Học nhiều đêm không ngủ được.
Học luôn lo lắng mình sẽ bị “đánh lừa” bởi những ảo giác hào quang đó mà quên mất mình mới chỉ là một tân sinh viên và con đường phía trước còn rất nhiều gian khổ. Và cậu chỉ biết nói rằng: “Em sợ!”
Nguyễn Đức Học là cậu thủ khoa nghèo đến từ xã Đông Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc). Bố mẹ em quanh năm suốt tháng tất bật với gần 10 sào ruộng và kiêm thêm một cửa hàng bán thức ăn gia súc, gia cầm để nuôi 3 mặt con. Chị gái của Học đang là sinh viên của trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và em gái thì đang học phổ thông.
Nghèo, nhưng gia đình em đã dành tất cả sự ưu tiên nhất có thể để “cậu ấm” tập trung vào việc học hành và “chắc chắn bố mẹ em cũng đã tạo cho em những điều kiện không thua kém bất kỳ thí sinh nào”- Học tâm sự như vậy.
Hai thủ khoa khác của năm 2007 và 2006 là người dân tộc Tày và dân tộc Mường thì được “tạo hình ảnh” là những người con chân chất nghèo khó đến từ miền sơn cước xa xôi, nơi chỉ quanh năm mây mờ che phủ và xung quanh chỉ có tiếng vượn hót, chim kêu... Thực tế thì họ đều là những thủ khoa có cuộc sống rất sung túc.
Các em đều ở trong những căn hộ được thuê có đủ cả điều hòa và tiền chi tiêu mỗi tháng lên đến vài triệu đồng! Một trong hai thủ khoa đó tỏ vẻ rất ngại ngùng khi có ai đó hỏi về hoàn cảnh của mình. “Chẳng lẽ cứ là thủ khoa thì phải nghèo khổ mới xứng đáng được tôn vinh. Em cảm thấy hoàn cảnh của mình không được khó khăn mà lại giành được danh hiệu thủ khoa thì giống như là một cái... tội vậy!”
Theo M.M - DT