Những ai đã bình chọn cho New7wonders?
Poster kêu gọi tham gia bình chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới của New7Wonders
(Dân trí) - Sự kiện bình chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới trên đang được rất nhiều người quan tâm, trong đó có không ít lời kêu gọi bình chọn cho các địa danh của VN. Tuy nhiên, có nhiều điều mà những người tham gia bình chọn còn chưa biết về danh hiệu này.
Số người bình chọn "toàn cầu"?
Theo số liệu trên Alexa ngày 16/4, ba nước dẫn đầu là Việt Nam, Venezuela và Phillippines đã chiếm tới hơn 50% số người vào website của BTC.
Nếu tính thêm Nicaragua và Costa Rica thì top 5 quốc gia này chiếm gần 70% số người vào trang này.
Thứ hạng của trang
www.new7wonders.com (N7W) trên thế giới là 5.285, tại Việt Nam là 564. Lượng truy cập cao nhất vào trang này đến từ Việt Nam (24,2%), tiếp đến là từ Venezuela (gần 17%).
Nếu nhận thức rằng đây là danh hiệu có giá trị trên toàn thế giới mà số phiếu bầu lại đến chủ yếu từ một số quốc gia thì chắc chắn độ tin cậy đối với giá trị của các danh hiệu sẽ bị giảm đi rất nhiều.
Thống kê của Alexa về tỷ lệ đóng góp vào lưu lượng truy cập trang web của N7W, tính đến ngày 16/4/2008 (Nguồn: Alexa)
Dù chỉ có giá trị tham khảo, nhưng những thông tin này cũng giúp chúng ta phần nào hiểu rõ hơn về giá trị của cuộc bầu chọn này.
Không liên quan đến UNESCO
Có một thông tin đáng lưu ý là giữa năm 2007, để tránh những nhầm lẫn không đáng có về sự liên quan giữa UNESCO với N7W, UNESCO đã khẳng định như sau trong thông cáo báo chí đăng trên trang web chính thức của mình:
“Không có bất cứ mối liên hệ nào giữa chương trình công nhận Di sản thế giới của UNESCO với chiến dịch mang tên “7 kỳ quan thế giới mới” (The New 7 Wonders of the World) hiện nay.
Chiến dịch này bắt đầu từ năm 2000, là sáng kiến cá nhân của ông Bernard Weber, nhằm khuyến khích các công dân trên khắp thế giới chọn ra 7 kỳ quan thế giới mới.
Mặc dù đã nhiều lần được mời ủng hộ dự án này, nhưng UNESCO quyết định không hợp tác với ông Weber”.
Thông báo này của UNESCO cũng cho biết những đánh giá cảm tính hoặc dựa vào ý nghĩa biểu trưng của các địa danh là chưa đủ, mà cần dựa vào các tiêu chí khoa học, chất lượng của các ứng viên, cũng như hệ thống các quy định pháp luật và quản lý. Theo đó, các cơ quan chức năng phải có những cam kết bảo tồn đối với di sản được lựa chọn.
UNESCO khẳng định rằng danh sách 7 kỳ quan thế giới mới (sau khi chiến dịch của ông Weber kết thúc - BTV) là kết quả của một dự án cá nhân, chỉ phản ánh ý kiến của cộng đồng người sử dụng internet chứ không phải của cả thế giới. “Dự án này, về cả tầm quan trọng và ý nghĩa bền vững, không thể đóng góp vào việc bảo tồn các địa danh sau khi được bình chọn” - theo UNESCO.
Trong mục giới thiệu về tổ chức, N7W quảng cáo mình sở hữu một website có lượt truy cập hàng đầu, được sự quan tâm nhiều chưa từng có của các phương tiện truyền thông; do đó, đây là một cơ hội kinh doanh hiếm có cho các doanh nghiệp muốn hợp tác với N7W dưới hình thức tài trợ, quảng cáo, tổ chức sự kiện…
New7Wonders là một dự án tư nhân
Đơn vị phát động và tổ chức cuộc bình chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới, có trụ sở đặt tại Zurich, Thuỵ Sỹ. Theo thông tin đăng tải trên website chính thức của N7W, đây là tổ chức phi lợi nhuận do Bernard Weber, một nhà làm phim người Canada gốc Thuỵ Sĩ, chính thức thành lập vào năm 2001, với mong muốn “chung tay” vào nỗ lực bảo vệ các di sản thiên nhiên và nhân tạo của thế giới.
Tuy nhiên, website đầu tiên của tổ chức này đã được Bernard Weber lập từ trước đó, vào tháng 9/1999, để hỗ trợ cho chiến dịch bình chọn 7 kỳ quan thế giới mới. Đến năm 2000, website chính thức
www.new7wonders.com của N7W đi vào hoạt động, trở thành nơi bình chọn qua internet cho chiến dịch trên. Trang này do NewOpenWorld điều hành và giữ bản quyền. NewOpenWorld Corporation và NewOpenWorld Foundation là đơn vị thuộc N7W.
N7W cam kết dành 50% doanh thu ròng cho công tác bảo tồn các di sản trên thế giới.
Như vậy, trên thực tế, đây là dự án tư nhân. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, nhờ chiến lược marketing hiệu quả, biết khai thác sức mạnh của internet và khả năng vận động, N7W đã thu hút được sự quan tâm của nhiều cá nhân, tổ chức và các phương tiện truyền thông.
Chiến dịch đầu tiên của N7W là bình chọn 7 kỳ quan thế giới mới, với sự tham gia của hơn 100 triệu người bình chọn qua internet, kết quả đã được công bố vào tháng 7 năm ngoái.
Chiến dịch thứ hai của N7W là cuộc bình chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới, với thời hạn đăng ký và bình chọn cuối cùng là ngày 31/12/2008. Việt Nam có 3 địa danh được đưa vào danh sách bình chọn là núi Phanxipăng, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, và vịnh Hạ Long.
Sau ngày 31/12/2008, ban chuyên gia sẽ chốt lại 21 ứng viên có số phiếu bình chọn cao nhất qua internet cho danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên mới.
Đặng Lê